Lời đầu tiên mình xin chia sẻ là mình đã đi tour Lệ Giang, nên không có nhiều kinh nghiệm về mặt di chuyển.
Mộc Phủ nằm trong thành cổ Lệ Giang, dưới chân núi Sư Tử Sơn. Điểm này không có trong tour của mình, tuy nhiên nó là một địa điểm không thể bỏ lỡ. Do không có trong tour nên 2 đứa mình phải tự tìm, và mặc dù đã hỏi đường và xem bản đồ nhưng vẫn suýt lạc.
Theo cảm nhận cá nhân, đây là một điểm rất đáng đi. Nơi đây đẹp như phim trường và có bề dày lịch sử từ thời Minh. Tuy nhiên tất cả đều là công trình phục dựng chứ không phải nguyên gốc nên trông khá là mới.
Có câu ‘Bắc có Cố Cung, Nam có Mộc Phủ’. Nếu như Cố Cung mang cảm giác di tích nhuốm màu thời gian, thì Mộc Phủ lại mang cảm giác ‘xuyên không’ về thời cổ.
Thông tin về Mộc Phủ không có nhiều khi sợt online bằng tiếng Việt. Theo những gì nghe lỏm được từ HDV Trung đang dẫn đoàn khác, mình có vớt được vài chi tiết hay ho về kiến trúc + phong tục của người Naxi (Nạp Tây) ở vùng đất này.
Về lịch sử của Mộc Phủ:
Ngắn gọn thì Mộc Phủ là dinh thự của Mộc gia, vốn là Tộc Naxi nhưng theo Chu Nguyên Chương (Hoàng Đế thời Minh) và được ban họ Mộc. Mộc gia có nhiều danh tướng nổi tiếng có trách nhiệm trấn thủ biên quan cho triều đình. Do ở xa triều đình, mà lại cai quản vùng đất đai rộng lớn, nên Mộc gia chủ như Vua một cõi vậy (Đóng cửa là quân, mở cửa xưng thần).
Mộc Phủ được chia làm 3 khu chính:
– Khu chính vụ (nơi tiếp khách, xử lý công vụ);
– Khu ngự hoa viên (nơi dạo chơi, hóng mát. Thường từ ‘ngự’ chỉ dành cho Vua nhưng tạm gọi vậy cho dễ hiểu nha);
– Khu hậu viện (nơi gia quyến Mộc gia ở).
Từ cổng vào là khu chính vụ, tiếp khách, thờ cúng. Trên trần của gian chính điện đầu tiên có điêu khắc một con thuỷ long (rồng nước). Với quan niệm ngũ hành tương sinh tương khắc: Gia chủ họ Mộc, mộc sinh hoả (nhưng đồng thời bị hoả khắc chế), mà thuỷ khắc hoả nên đồng thời mang nghĩa bảo vệ cho gia chủ.
Để đi từ khu chính vụ sang ngự hoa viên phải qua một lầu gác. Phía dưới lầu gác là con đường để người dân đi lại, thay vì phải đi đường vòng qua phủ. Hơn nữa Mộc đại nhân cũng có thể quan sát dân chúng khi đứng trên lầu gác này. Điều này thể hiện hàm ý “yêu nước thương dân”. Trong gian chính vụ đầu tiên có nhiều tấm bảng vàng 2 bên, ghi chức quan to nhất của các đời Mộc gia. Và chức cao nhất họ từng làm là hàm Chính Tam Phẩm.
Bên hông khu chính vụ là hậu viện, nơi gia quyến của Mộc gia sinh sống. Một điều khác với văn hoá Trung Hoa là Mộc gia vốn thuộc tộc Naxi, mà tộc này không có quan điểm trọng nam khinh nữ. Gia sản được chia đều cho con gái và con trai. Phụ nữ tộc này tài giỏi và thường phải gánh vác trọng trách trong gia đình.
Câu đầu tiên chị đi cùng mình thốt lên khi bước vào đây chính là: “Ôi ông này giàu thế”. Nhưng thực sự quy mô diện tích Mộc Phủ hiện tại chỉ bằng 1/2 diện tích thực sự trước đây mà thôi.
Nguồn: Phương Nguyễn – Giấc Mộng Trung Hoa – Review du lịch và cuộc sống ở Trung Quốc
