Hang đá Long Môn là quần thể kỳ quan Phật giáo. Di sản thế giới nằm ở phía nam cố đô Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc
Giới thiệu
Hang động Long Môn có lịch sử 1500 năm. Tại đây chứa hơn 2000 hang động cùng 100.000 tượng Phật và các đệ tử của Đức Phật. Có nhiều hình ảnh, tranh vẽ, phù điêu đá được chạm khắc cả bên trong lẫn bên ngoài hang đá vôi nhân tạo của vách đá Hương Sơn và dãy núi Long Môn.
Nơi đây còn được biết đến với cái tên “Rừng bia cổ đại”. Tại đây có 2.500 bia đá và 60 ngôi chùa xung quanh. Nhiều tài liệu lịch sử về nghệ thuật, tôn giáo,… được lưu giữ tại đây
Các hang động được hình thành trong một khu vực đá vôi dài 1 km và được chạm khắc trên cả hai bờ sông. Các bức tượng trong hệ thống hang động này cao từ khoảng 2,5cm đến 17m.
Hang động Long Môn được xây dựng từ năm 493 dưới thời Bắc Ngụy. Nó được tiếp tục mở rộng vào thời nhà Đường. Hai triều đại này nổi tiếng tôn sùng đạo Phật và tích cực xây dựng nhiều công trình Phật giáo. Vì vậy, hang động Long Môn là công trình tiêu biểu cho thời kỳ phát triển của Phật giáo ở Trung Quốc.
Nổi tiếng nhất là tượng Phật Lư Xá Na cao 17,14m ngồi khoanh chân trên đài sen (giữa), nằm ngay ở cửa hang. Nhà Minh (1368 – 1644) và nhà Thanh (1644 – 1912) đã cố gắng chấn hưng văn hóa. Từ đó, hang động Long Môn trở thành di tích được công nhận. Trong những năm 1940, hang động Long Môn bị phá hoại nghiêm trọng do ảnh hưởng của tình hình chính trị bất ổn.
Nhiều hiện vật của hệ thống hang động này hiện được tìm thấy ở bảo tàng Nhật Bản.
Thời kì Bắc Ngụy, có 5 hang động chính: Cổ Dương, Tân Dương, Liên Hoa, Ngụy Tự, Hoàng Phủ Công. Trong đó, Cổ Dương là hang động lâu đời nhất tại Long Môn nằm ở trung tâm đồi Tây. Ngoài ra, có khoảng 800 chữ khắc thư pháp của các tác phẩm thời Bắc Ngụy.
Thời nhà Đường, động Vạn Phật, Đại Vạn Ngũ Phật, Tân Dương Bắc và chùa Phụng Tiên, Khán Kinh, Tiềm Khê được xây dựng. Ngoài ra, thời nhà Tùy đã cho xây dựng thêm động Tân Dương Nam. Trong những công trình này, hang Cổ Dương, Tân Dương và chùa Phụng Tiên là nổi tiếng nhất.
Nguồn: Báo Lao Động