Đi thì mới biết
Tui vốn dĩ là một đứa đầy định kiến. Điều gì ăn sâu vô tiềm thức thì mặc nhiên cho là đúng. Ví như Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc không có gì hấp dẫn.
Thế mà tui vẫn đi, vẫn háo hức khi chớp lấy cơ hội chạm vào những vùng đất mới. Dĩ nhiên là mang theo mớ định kiến được bồi đắp mấy chục năm làm hành trang “phán xử”. Xem phim truyền hình quá 180p nên bị nhiễm.
Người Trung Quốc rất khéo làm du lịch. Khéo đến nỗi níu chân hàng chục triệu lượt du khách lui tới đây mỗi năm.
Choáng ngợp trước Phượng Hoàng Cổ Trấn
Chuyến Phượng Hoàng Cổ Trấn – Trương Gia Giới vừa rồi đoàn tui được dẫn bởi anh Soanh. Đây là hướng dẫn viên người Trung sành tiếng Việt. Sành cách dùng từ, nhả chữ chứ phát âm của ảnh thi thoảng vẫn ối giồi ôi.
Ngoài câu chuyện trà dư tửu hậu về cảnh sắc, con người. Soanh cho chúng tui thêm góc nhìn về chính sách làm du lịch của chính phủ Trung Quốc. Những vùng quê từng nghèo xác xơ được quy hoạch tổng thể để làm du lịch bền vững. Bằng một cách nào đó họ đã vực dậy những vùng đất gắn liền với hai từ đói khổ như Phượng Hoàng vậy.
Họ gìn giữ bản sắc của các dân tộc, vùng miền rất đỉnh. Những con đường, từng nếp nhà, mấy bờ tường hen rỉ vết thời gian được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Đời sống của người bản địa không cần phục dựng vẫn được tái hiện rất đời.
Điều ấn tượng tại Phượng Hoàng cổ trấn
Phượng Hoàng cổ trấn chúng tui ghé qua, nếp sinh hoạt của họ bao đời nay vẫn không hề thay đổi. Sớm sớm, chiều chiều bà con mang vác xô chậu ra sông giặt giũ, tiếng đập, tiếng cười giòn giã cả góc sông. Thỉnh thoảng mấy chú lớn tuổi còn ra mạn sông câu cá, không biết có câu được mấy không nhưng ra chiều rất thong dong, tự tại.
Người Trung có tài buôn bán. Nếu lượn một vòng Phượng Hoàng Cổ trấn, chắc hẳn bạn sẽ bị siêu lòng với cách bài trí hàng quán, món ăn cực kì bắt mắt. Dù không có chủ đích, nhưng nhất định bạn sẽ xỉu ngang xỉu dọc trước hàng bán nếp nhân đậu đỏ đủ màu; hàng bánh tép nhảy tươi rói, thơm lừng; trước quầy đậu hũ thúi, mùi thì thum thủm nhưng cực kì bắt mắt tại PHCT.
Cái tài trong buôn bán của dân làm du lịch Trung Quốc không chỉ nằm ở cách bài trí mà còn ở khả năng ăn nói thu phục lòng người. 70% người bán hàng tại các điểm tham quan do chính phủ bảo hộ đều biết tiếng Việt, chỗ nào không có đều có thông dịch viên. Nên trải nghiệm “được chốt sale” cũng thú vị lắm đó.
Nguồn: Nguyệt Digi