Cùng bạn khám phá thế giới
Đặt tour và yên tâm tận hưởng chuyến đi của bạn với sự đồng hành của đội ngũ chuyên gia du lịch Otrip Travel
Wayang Kulit, một di sản văn hóa quý báu của Indonesia và thế giới. Loại hình kết hợp nhiều yếu tố nghệ thuật, biểu diễn với văn hóa. Mang đậm bản sắc dân tộc và lưu giữ nét tinh hoa của một nền văn hóa Indonesia cần được trân trọng, gìn giữ và phát huy.
Wayang Kulit hay còn được gọi là rối bóng. Một trong những bộ môn kịch nghệ lâu đời nhất mà thế giới được biết đến. Rối bóng là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ điển, kết hợp những yếu tố của âm nhạc, múa, sự ứng khẩu nhanh trí, những tấn hề vui nhộn. Thay vì trực tiếp nhìn thấy những con rối, khán giả chỉ nhìn thấy cái bóng của chúng. Nhiều thế kỷ nó đã trải qua biết bao thăng trầm của xã hội. Những thay đổi về chính trị, tư tưởng và thời trang, liên tục làm mới mình. Và tạo ra một phong cách độc đáo trên thế giới.
Với việc truyền đạt lại lịch sử của đất nước, thơ ca, triết học, những lời răn dạy tôn giáo. Rối bóng nói chung và Wayang Kulit nói riêng đã giúp cho con người gần gũi, đoàn kết hơn trong cộng đồng. Tạo cơ hội cho con người nhìn nhận chính bản thân mình “qua tấm gương lịch sử huyền bí”.
Trên thế giới có rất nhiều loại hình nghệ thuật múa rối khác nhau: rối gậy, rối nước, rối tay, rối ngón, rối dây, rối miệng… Và có lẽ rối bóng là một thể loại đặc sắc, hấp dẫn, thể hiện mạnh mẽ yếu tố dân gian và tín ngưỡng. Loại hình nổi tiếng nhất là rối Wayang, Indonesia. Trong sự đa dạng hình thức của Wayang (Wayang Golek, Wayang Klitik, Wayang Beber, Wayang Kulit, Lombok…). Wayang Kulit (rối bóng bằng da) là điển hình, hấp dẫn và được tán dương nhiều nhất.
Wayang Kulit đã ra đời nhờ niềm tin vào thuyết duy linh cho rằng các linh hồn tổ tiên có thể tác động đến đời sống của các sinh linh. Như bảo vệ hay gây họa, và thường trở về vào ban đêm dưới hình hài của những cái bóng. Họ đã tiến hành các nghi lễ dưới dạng các vở rối bóng để kêu cầu tổ tiên mình cứu giúp. Và dưới sự trợ giúp của dalang (nghệ nhân điều khiển rối). Các linh hồn sẽ được thể hiện, được múa, bay, đi lại, chiến đấu, chiến thắng, đau khổ, và yêu thương. Dalang sẽ nói hộ cho từng con rối theo các giọng khác nhau. Kể lại các câu chuyện cổ xưa về vòng đời, sự tái sinh. Những thế lực của cái tốt, cái xấu, và cái tốt bao giờ cũng chiến thắng.
Rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Wayang đã tồn tại rất lâu – trước khi xuất hiện người Hindu. Từ thời vua Srimaha Panggung thế kỷ thứ IV, trong cung điện Jawadwipa (miền tây Java) đã bắt đầu các câu chuyện Wayang chắt lọc từ hai bộ sử thi Ấn Độ vĩ đại: Ramayana và Mahabharata. Sau đó, nó được tiếp tục phát triển dưới triều đại Airlangga. Một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất miền đông Java thế kỉ XI. Ngày nay, tại Indonesia người ta gọi Rama thay cho Ramayana và Pendawa thay cho Mahabharata. Wayang Kulit được trình diễn vào dịp có các sự kiện quan trọng như các ngày quốc lễ, các lễ hội tín ngưỡng. Hay lễ hỏa táng, đám cưới, sinh nở, hay bất cứ sự kiện lớn nào trong đời sống của cá nhân hay cộng đồng.
Xem thêm: Lễ hội thả đèn trời Yi peng và Loy Krathong truyến thống tại Thái Lan.
Là người rất được kính trọng trong cộng đồng. Đối với một vở rối bóng Dalang đóng vai trò rất quan trọng. Thông thường, dalang được chọn trước, sau đó tư vấn để chọn chủ đề cho buổi diễn. Dalang là bậc thầy về kể chuyện có kiến thức nghệ thuật đa dạng, sâu rộng, nắm vững những câu chuyện Ramayana, Mahabharata. Hiểu được những tính cách các nhân vật rối. Đồng thời, Dalang cũng phải có kiến thức về triết học Java. Các nguyên tắc luân thường đạo lý, thông tin chính xác, đa diện về cuộc sống xã hội.
Bên cạnh đó, Dalang phải có giọng nói rõ ràng, hấp dẫn để mô phỏng giọng nói của khoảng 50 nhân vật rối với âm điệu khác nhau. Thành thạo ngôn ngữ đối thoại, hát và kể chuyện, có khả năng chuẩn bị kịch bản. Hiểu biết về nhạc cụ Java, chỉ đạo âm nhạc, chỉ huy hợp xướng…
Các con rối trong các vở rối bóng có chiều cao từ 25cm đến 75cm. Bộ rối làng quê gồm hơn 100 con, bộ cung điện có tới 500 con. Các nhân vật rối bóng được nhận biết bằng những trang sức trên đầu, trang phục và đặc thù của nét mặt. Một số nhân vật được nhận diện qua màu sắc: Vishnu màu đen, Siva mặt vàng… Màu đỏ thể hiện tính khí dữ tợn, màu trắng thể hiện sự ngây thơ và tuổi trẻ. Có hai loại rối chính: Alus tinh tế, kiềm chế và Kasar thô lỗ, tức giận.
Những nhân vật tốt thường có thân hình bé nhỏ, mắt hình oval với đồng tử nhỏ như hạt gạo, mũi nhọn và mắt nhìn xuống dưới chân một cách khiêm nhường. Những nhân vật mạnh mẽ, sôi nổi thường nhìn lên. Những nhân vật hung hãn thường có hình dáng lớn hơn, mũi và mắt to, tròn. Nhân vật yêu tinh chỉ có một cánh tay… Bên cạnh các nhân vật rối người, các vị thần, còn có các loài chim, muông thú, gia cầm…
Sân khấu của Wayang là một màn hình vải bông trắng với viền màu xung quanh dài khoảng 3m. Màn hình được chiếu sáng bằng đèn dầu nay thay thế bằng đèn điện. Phía dưới màn hình là 2 – 3 thân chuối được gắn chặt theo độ cao thấp khác nhau. Phía bên trái và bên phải Dalang, các con rối được cắm chắc chắn vào thân chuối. Phía tay trái Dalang là những nhân vật rối với tính cách phản diện và bên phải là chính diện. Phía sau Dalang là các dụng cụ âm nhạc cùng các nhạc công. Dàn nhạc gamelon phụ trách phần âm nhạc với khoảng 30 nhạc cụ, đa phần là nhạc cụ gõ gồm: chiêng đồng nhiều kích cỡ, mộc cầm, trống, 1 hoặc 2 sáo, rebab (một loại đàn 2 dây).
Dalang kể những câu chuyện về vua, công chúa, yêu tinh và hiệp sĩ. Sử dụng chuyển động tay khéo léo và lời kể chuyện. Trong khi các buổi biểu diễn truyền thống sử dụng khăn trải giường bằng vải cotton và đèn dầu để tạo ra trò chơi ánh sáng. Ngày nay người ta sử dụng bóng đèn điện hoặc các nguồn sáng khác. Nhiều cốt truyện lấy cảm hứng từ các tập phim trong sử thi Hindu Ramayana và Mahabharata . Wayang Kulit đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2003.
Theo thegioidisan.vn
Có thể bạn quan tâm
Hoạt động
Thông tin liên lạc
Giấy phép số 21/GP-ICP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông TP.HCM cấp ngày 13/03/2012.
Trụ sở chính tại Hà Nội
0896612386
Tầng 3 - Tòa Century Tower - Kđt Times City - 458 Minh Khai - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Otripvn@gmail.com